TIN TỨC > THÔNG TIN DU LỊCH
Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ: Vẫn còn nhiều bí ẩn chưa ..."giải mã"
Tin đăng ngày: 18/1/2012 - Xem: 4887
 

Tại phiên họp lần thứ 35 diễn ra từ ngày 19 - 29/6/2011 tại Paris (Pháp), Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức công nhận di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) là Di sản văn hóa thế giới. Nhân sự kiện này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã dành cho Báo Văn Hóa cuộc trao đổi.

Ông nói:
- Ngay sau khi Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới, ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn của Việt Nam tham dự hội nghị trên đã gọi điện cho tôi và thông báo: “Thưa GS, Thành nhà Hồ đã trở thành Di sản văn hóa của thế giới”.

Cũng như hàng triệu người dân Việt Nam khác, tôi rất xúc động và vui mừng trước danh hiệu này, và kể từ nay chúng ta đã có thêm một di sản văn hóa được cả thế giới thừa nhận và tôn vinh với những giá trị nổi bật toàn cầu.

Song, cũng như nhiều lần trước tôi đã nhấn mạnh, được UNESCO công nhận là một vinh dự lớn và từ đây di tích Thành nhà Hồ sẽ được thế giới biết đến, sẽ thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan, nghiên cứu. Đi liền với vinh dự đó là trách nhiệm cũng thật lớn, vì để có được danh hiệu đã là khó nhưng bảo vệ được danh hiệu này lại càng khó khăn hơn rất nhiều.

Thưa GS, kể từ khi đăng ký cho đến lúc được công nhận, hồ sơ khoa học di tích Thành nhà Hồ đã phải trải qua hành trình gần 6 năm “nâng lên, đặt xuống”. Đây không phải là khoảng thời gian ngắn để một di tích được công nhận là Di sản văn hóa thế giới?

- Đúng vậy. Là người được tham gia ngay từ đầu trong việc nghiên cứu, thẩm định hồ sơ khoa học di tích Thành nhà Hồ, bản thân tôi cảm nhận được sự khó khăn của nó. Nhưng không vì những khó khăn đó khiến chúng ta phải chùn bước.

Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và sát sao của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; sự tham gia nhiệt tình của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học trong nước và quốc tế, cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân địa phương. Với bộ hồ sơ này, chúng ta đã phải trải qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí phải cam kết thực hiện theo một số khuyến nghị của những tổ chức quốc tế có vai trò thẩm định hồ sơ, trong đó đáng chú ý nhất là tổ chức ICOMOS.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, cách đây không lâu, tổ chức quốc tế về các công trình và di tích (ICOMOS) đề nghị Ủy ban Di sản Thế giới hoãn lại việc xem xét đề cử Thành nhà Hồ, Việt Nam vào Danh sách Di sản thế giới, để nước thành viên chứng minh thêm một số vấn đề. Hiểu theo một cách thông thường có khả năng tại kỳ họp này, hồ sơ đề cử Thành nhà Hồ sẽ bị gác lại để xem xét trong những kỳ họp tới. GS có thể nói gì về thông tin này?

- Đúng là có thông tin như vậy. Cách đây không lâu, chúng tôi có nhận được bản thẩm định độc lập của tổ chức ICOMOS, trong đó họ có đề nghị rằng, “hoãn việc xem xét đề cử Thành nhà Hồ, Việt Nam vào Danh sách Di sản Thế giới”, để cho phép nước thành viên chứng minh thêm một số vấn đề cũng như thực hiện một số khuyến nghị mà tổ chức này nêu ra.

Cũng cần xin nói thêm rằng, ICOMOS đánh giá rất cao về giá trị nổi bật toàn cầu của di tích Thành nhà Hồ, nhưng qua khảo sát thực địa cũng như nghiên cứu hồ sơ, họ đề nghị chúng ta chứng minh thêm tiêu chí 2; mở rộng vùng đệm; thực hiện một chương trình khảo cổ học.

Đồng thời, khuyến nghị nước thành viên xem xét về một số vấn đề như xây dựng chiến lược chuẩn bị và quản lý các thảm họa trong trường hợp có bão gây lở đất ở Đàn Nam Giao và lụt gây ảnh hưởng tới La Thành cũng như các di tích khác; xây dựng một hệ thống quản lý rác thải ở thành Nội; khuyến khích sự tham gia của nhân dân địa phương vào việc bảo vệ và quản lý di sản…

Sau khi xem xét, chúng ta đã cơ bản đáp ứng những đề nghị này. Và tại kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới, chúng ta đã bảo vệ thành công hồ sơ đề cử Thành nhà Hồ vào Danh sách Di sản Thế giới với tiêu chí 2 và tiêu chí 4.

Thưa GS, vì sao lại chỉ có 2 tiêu chí thay vì ngay từ đầu chúng ta đề cử hồ sơ Thành nhà Hồ với tiêu chí 2, 3 và 4?

- Trước hết cần phải đính chính rằng, khi đưa tin về Thành nhà Hồ trở thành Di sản văn hóa thế giới, có tờ báo đưa tin di tích này đã đáp ứng hai tiêu chí, đó là tiêu chí 2 và 6. Chính xác là, hồ sơ đề cử Thành nhà Hồ đáp ứng hai tiêu chí: 2 và 4.

Theo quy định, hồ sơ đề cử vào Danh sách Di sản Thế giới chỉ cần đáp ứng một tiêu chí. Trước đó, chúng ta đề cử Thành nhà Hồ vào Danh sách Di sản Thế giới với ba tiêu chí, bao gồm tiêu chí 2, 3 và 4 được quy định trong Công ước Di sản Thế giới năm 2008.

Nhưng qua nghiên cứu cũng như trao đổi với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế thì thấy rằng hồ sơ đề cử Thành nhà Hồ khó lòng đáp ứng được tiêu chí 3 nên chỉ tập trung vào hai tiêu chí còn lại.

Đó là tiêu chí 2: “bày tỏ sự trao đổi quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hai bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch thành phố hay thiết kế phong cảnh”; và tiêu chí 4: “là ví dụ nổi bật về một loại hình công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại”. Qua đây, tôi xin nhấn mạnh thêm rằng, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát cũng như so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới, chúng tôi tập trung chứng minh cho tiêu chí 4.

Thưa GS, cụ thể như thế nào?

- Như trong Hồ sơ đề cử Thành nhà Hồ đã viết: “… Thành nhà Hồ là một công trình có giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự.

Được xây dựng theo quy chuẩn vương thành kiểu Trung Hoa, Thành nhà Hồ được thể hiện hoàn hảo như là một biểu tượng của vương quyền kết hợp với thần quyền, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.

Di sản là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, Thành nhà Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn.

Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất của cảnh quan và quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á”. Tuy nhiên, đến nay việc nghiên cứu xây dựng Thành nhà Hồ vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn.

Nghĩa là, trong tương lai chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu và lý giải những bí ẩn đó, thưa GS?

- Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, riêng việc khai thác, vận chuyển và dựng lên những khối đá lớn như vậy vẫn là những điều còn rất bí ẩn cần phải tiếp tục đi tìm lời giải. Ví dụ, chúng ta đã có thể xác định được nơi khai thác đá nhưng người xưa đã vận chuyển những khối đá có kích thước, trọng lượng rất lớn được diễn ra như thế nào? Khi đã vận chuyển về đến nơi thì người xưa đưa những khối đá lên để sắp xếp thành bức tường thành ra sao? Đó là chưa nói đến thời gian xây dựng thành chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng… Những vấn đề này không thể trả lời vào ngay lúc này, mặc dù cũng đã có một số giả thiết đặt ra.

Xin cám ơn GS!

(Nguồn: Báo Văn hóa)

Tin tức khác:
Gặp Biện Thị Mỹ Linh – Giải nhất Lễ hội áo dài Hoa Cúc Biển Cửa Lò 2023 (22/3/2023)
Các điểm đến ở Nghệ An ‘khoác áo mới’ để đón mùa du lịch 2023 (22/3/2023)
Hàm Yên tổ chức Lễ hội đình Thác Cấm (14/3/2012)
Bản đồ du lịch Nghệ An (14/3/2012)
Hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc và thi đấu thể thao các huyện miền Đông (6/2/2012)
Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 (3/2/2012)
Đêm hội hoa đăng ở Cao Bằng (3/2/2012)
Mùa hát Quan họ của liền Anh liền Chị - Bến hẹn lại lên! (3/2/2012)
Hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng (Quảng Bình) sẽ lên phim 3D (18/1/2012)
Thiết kế Website Thành phố Vinh TP Vinh, Thiet ke website Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa (18/1/2012)
Hiệu quả của Năm Du lịch Quốc gia 2011 (18/1/2012)
Tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn chung các nước tiểu vùng sông Mê Kông Việt Nam - Lào - Campuchia (18/1/2012)
Chùa Keo - huyền thoại văn hóa Việt (18/1/2012)
Chuyện ảnh: Người Mông làm nhà trình tường (18/1/2012)
Cơ hội quảng bá du lịch khi sao đến Việt Nam (18/1/2012)
 

KHÁCH SẠN HỮU NGHỊ - TP. VINH
Địa chỉ: Số 74 Lê Lợi - TP Vinh - Nghệ An
Tel: 0238 - 3842 492 - 3844 633 - 3560 615 ; Fax: 0238 - 3842 813
Website: http://huunghina.com.vn ; Email:kshuunghina@gmail.com
Giấy phép ĐKKD: 2900326135
Người đại diện: Ông Trần Văn Huệ- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty

Thiết kế website bởi TVC Media
Chat hỗ trợ
Chat ngay

0834109277