Đây cũng là cách để du lịch Nghệ An từng bước làm mới mình nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng và “khó tính” của du khách.
Trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng trở thành “đặc sản” của du lịch Nghệ An và được triển khai tại nhiều huyện miền núi cao. Đến huyện Tương Dương, những khu rừng săng lẻ với những thân cây dài hàng chục mét tạo nên nét riêng cho vùng đất này. Ảnh: Đình Tuyên.
Trước đây, các khu rừng săng lẻ còn khá nguyên sơ. Tuy nhiên, giờ đây để đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân ở đây đã xây dựng những tiểu cảnh nhỏ, vừa làm nơi nghỉ ngơi, vừa là nơi “check-in” lý tưởng. Ảnh: Đình Tuyên
Về với bản làng là hành trình đang được các công ty lữ hành du lịch giới thiệu về du lịch Quế Phong trong mùa Hè năm nay. Lợi thế về thiên nhiên với những cánh rừng trải dài, thác nước hùng vĩ, thung lũng tuyệt đẹp, Quế Phong hiện đang được những người yêu du lịch ví như “Đà Lạt mộng mơ” của miền Trung. Nét mới trong mùa du lịch năm nay, đó là các điểm đến trong tour du lịch Quế Phong được liên kết với nhau theo một lộ trình khá phù hợp.
Vì thế, chỉ cần “book” tour, đặt trước cho các công ty lữ hành là du khách hoàn toàn có thể yên tâm thoải mái trải nghiệm nhiều điểm đến thú vị. Ảnh: Mỹ Hà
Các năm trước, du lịch cộng đồng ở Quế Phòng thường gắn với các điểm đến như thác Bảy tầng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nghỉ đêm và trải nghiệm du lịch cộng đồng Cọ Muồng, thác Sao Va hay tham quan lòng hồ Thủy điện Hủa Na… Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tư nhân cũng đã tham gia vào du lịch cộng đồng và phát triển theo hướng riêng. Tại Farmstay Nhật Minh, ông Đinh Bá Cương – chủ cơ sở cho biết: Trước đây, du lịch Farmstay chủ yếu chỉ có nghỉ dưỡng và ẩm thực, nhưng hiện nay chúng tôi đang cố gắng làm mới các sản phẩm của mình như tổ chức các đêm nhạc, gắn du lịch với cắm trại, trải nghiệm để tạo nên sự hứng thú cho du khách. Ảnh: Farmstay Nhật Minh
Một mâm cơm mang đậm bản sắc của đồng bào Thái tại điểm du lịch cộng đồng Cọ Muồng – xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên
Những chiếc guồng nước ở dọc các huyện miền núi Nghệ An, đặc biệt là ở hai huyện Tương Dương và Quỳ Châu tạo nên sự hứng thú cho du khách. Ảnh: Đình Tuyên
Trên 4,5 tỷ đồng là doanh thu từ du lịch mà huyện Quỳ Châu thu được từ mô hình du lịch cộng đồng. Xác định rõ các lợi thế về phát triển du lịch, trong thời gian qua huyện Quỳ Châu đã tập trung đầu tư mở và khai thác các loại hình du lịch như: Khám phá thác khe Bàn, Khu sinh thái Tạt Ngoi, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An, Cụm di tích danh thắng hang Bua – đền Chiêng Ngam…
Để du lịch là ngành công nghiệp “không khói” mũi nhọn, hiện huyện Quỳ Châu cũng đã có những chiến lược “dài hơi” để phát triển lợi thế này. Theo đó, tại bản Hoa Tiến, huyện đã quy hoạch diện tích rộng trên 3.000m2 để xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng. Ở đó, du khách vừa được tham quan nhà sàn trưng bày những nét đặc sắc của văn hóa Thái, vừa được nghỉ ngơi, trải nghiệm. Trong ảnh: Sản phẩm du lịch do người dân tự sản xuất được bày bán tại làng Hoa Tiến – Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà
Thời điểm này, thị xã Cửa Lò đang gấp rút những hạng mục cuối cùng để chuẩn bị khai trương mùa du lịch biển năm 2023.
Ông Hoàng Thanh Sơn – Trưởng phòng Văn hóa và Du lịch thị xã cho biết, để phục vụ du khách mùa du lịch 2023, hiện thị xã đã kết nối với các công ty lữ hành và thị xã Cửa Lò sẽ xây dựng một sản phẩm du lịch riêng với nhiều điểm đến trong, ngoài thị xã để du khách có nhiều hành trình đáng nhớ khi đến với Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Ngoài việc chỉnh trang đô thị, một trong những điểm đến hứa hẹn thu hút sự tham gia của rất nhiều du khách trong năm nay đó là làng chài Nghi Thủy. Để xây dựng điểm đến này, thời gian qua, thị xã Cửa Lò đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để triển khai xây dựng nhiều hạng mục, như nâng cấp các tuyến đường Bình Minh, Lê Thị Bạch Cát, Hoàng Nguyên Cát.
Trong đề án xây dựng, nhiều công trình cũ có giá trị lịch sử cũng sẽ được tái tạo và phục dựng lại, trong đó khôi phục lại nhà cũ trong Khu lưu niệm Lê Thị Bạch Cát, mở rộng đền Yên Lương, bảo tồn, tôn tạo đền Mai Bảng. Trên cơ sở một số công trình giếng làng có sẵn, thị xã cũng sẽ khôi phục lại một số giếng làng thành điểm dừng nghỉ, thưởng thức cảnh sắc, văn hóa dân gian. Thị xã cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà văn hóa khối theo lối kiến trúc truyền thống mang đặc trưng văn hóa làng chài ven biển. Ảnh: Đình Tuyên
Trên địa bàn thị xã, một số doanh nghiệp tư nhân cũng chủ động làm mới các sản phẩm du lịch gắn với nghỉ dưỡng, cắm trại, nghe nhạc, thưởng thức ẩm thực và bước đầu thu hút khá nhiều du khách trẻ tuổi. Ảnh: Mỹ Hà
Ngoài những điểm du lịch nổi tiếng gắn với xứ Nghệ như: Biển Cửa Lò, quê Bác, thác Khe Kèm (Con Cuông)…, trên bản đồ du lịch Nghệ An hiện có thêm 20 điểm du lịch mới như: Khu cắm trại bãi Đình (xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương), núi Lam Thành (xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên), bãi đá Nghi Thiết (Nghi Lộc), Đại Huệ Farmstay (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn), đập Ba Khe (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn)…, nhằm thỏa mãn cơn khát du lịch trải nghiệm và hòa mình vào thiên nhiên của giới trẻ. Những điểm du lịch này cũng đang từng bước thay đổi để thích ứng với thị hiếu ngày càng đa dạng của du khách. Ảnh: Sách Nguyễn